TẢN MẠN VỀ THƠ TỰ DO- Kỳ 3
Bây giờ thì người Kinh ta rất khó học lại được sự hồn nhiên, chất phác của người dân tộc. Nhưng ở vào thời tiền sử, tổ tiên ta cũng đã có một thời cũng hồn nhiên, chất phác như thế. Những dấu tích bằng thơ văn thì đã không còn nhưng dấu tích trong tín ngưỡng dân gian thì vẫn còn tục thờ sinh thực khí, có hội nõ nường ở vùng Phú Thọ.
Ở Trấn Yên (Yên bái) ta còn tìm thấy Thạp đồng Đào Thịnh:
Giữa đàn chim trải rộng cánh bay
Nam nữ giao hoan trên nắp thạp
Thạp đựng gì? Đựng xương người chết rồi
Còn nhớ cuộc giao hoan
Sống trên nắp thạp, chết về trong đáy thạp
Buồn làm chi? Cuộc sống sẽ tuần hoàn.
(Thạp đồng Đào Thịnh)
Chế Lan Viên viết về cái thời hồn nhiên ấy nhưng thơ ông thì đâu còn hồn nhiên nữa. Ông nổi tiếng là một nhà thơ kỹ tính trong sáng tác. Ông khao khát một thứ thơ tỉnh táo, tinh khiết và cao diệu:
Tôi thèm những câu thơ lạnh lẽo của Bắc Băng Dương hay Nam Cực
Rét buốt
Trắng muốt
Rơi ra ngoài mà tiềm ẩn những gì không ai hiểu hết
Tâm hồn hiểu nó phải lên điểm cực
Đứng trước nó như trước tôn giáo thiêng liêng
(Ảo tưởng)
Suốt đời ông đã luôn tìm tòi, đào bới, cách tân để đi tìm cái mới cho thơ. Dù vậy, ông cũng chưa bao giờ bỏ rơi bạn đọc bằng một thứ thơ đánh đố, đọc chỉ toàn thấy có nhức đầu. Thơ ông luôn kết hợp được hai yếu tố nghĩ ngợi và cảm xúc nên đọc thơ ông, ta có thể chưa hiểu được ngay song vẫn thích, vẫn muốn đọc. Đọc thơ ông thường thấy ông có nhiều ngẫm nghĩ và dằn vặt. Và chính những ngẫm nhĩ, những dằn vặt ấy tạo ra vẻ đẹp riêng biệt của thơ ông:
"Ta là ai?", như ngọn gió siêu hình
Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt
"Ta vì ai?" khẽ xoay chiều ngọn bấc
Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh
(Hai câu hỏi)
Nhất là vào gia đoạn cuối đời, trước khi bước vào “xứ không màu”. Trong Di cảo, thơ Chế Lan Viên càng có nhiều day dứt:
Anh có cho tôi làm hoa sen không, tôi trong lý lịch có bùn?
Thân phận người mà, ai chả có bùn đen?
Giết chết một mùi hương, dễ thôi, cứ quậy bùn lên để giết
Nhưng vượt lên bùn, sen cứ ngát hương sen
(Hương sen)
Về cái chết:
Thi sĩ, người làm ra lửa như Prométhée là kiểu ban đầu
Kiểu về cuối là kiểu Mo-ri-xơn hay Thích Quảng Đức
Anh ta lấy tất cả những lo âu, suy tư, hạnh phúc, khổ đau một đời làm củi
Có khi nhen nhóm cả một đời mới thiêu được một mồi
Ngồi lên chất liệu đời mình
Rót vào đấy xăng của thời đại
Rồi lấy mình ra làm lửa châm vào
Bài thơ rực cháy
Không còn chữ, còn câu, còn vần, còn âm điệu
Mà là lửa, toàn bài là lửa
Cho đến tro tàn từng chữ cũng thiêng liêng
Lửa đa nghĩa, phóng ra ánh sáng hào quang đi bốn phía
(Giàn hỏa)
Về trách nhiệm của người cầm bút:
Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi! Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
Tôi ú ớ
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười
(Ai? Tôi?)
Nhưng sau chót vẫn là một niềm yêu đời đau đáu ngay cả khi mất đi rồi:
Thôi không còn chờ mùa hoa phía trước
Mà ngoái đầu nhẩm lại các mùa hoa phía sau
Đấy là quy luật
Nhận mà không đau
Nhớ từ mùa hoa trong vườn mẹ
Lúc ấy là mai hay đào?
Lại nhớ mùa hoa xoan xứ Huế
Màu ngọc hồng trong chiêm bao...
Thôi cho ta khỏi đếm từng mùa hoa một
Ta có còn nó đâu?
Không phải hoa khuất mà ta khuất
Ta đi vào xứ không màu.
Cảm ơn một mùa ở trên trái đất
Cái hành tinh không vắng lặng giữa thiên hà
Không phải chỉ vì có hơi người ấm áp
Mà vì còn có các mùa hoa.
Dù là một chiếc hoa dại hoa vườn nhỏ nhặt
Ở trong cõi không màu, ta vẫn thấy nó từ xa.
(Các mùa hoa)
Đọc những câu thơ như thế này lòng ai không xúc động? Không muốn tận hưởng trọn cuộc đời và có trách nhiệm hơn?
Có lẽ vì thơ tự do không có một quy cách, một khuôn hình cụ thể nào cho nên những người làm thơ nghiệp dư, những người tập làm thơ thường ít vận dụng. Phổ biến là họ đi vào lục bán vì lục bát có cảm giác vừa quen vừa dễ. Một số “chịu chơi” hơn, cao thủ” hơn mới đi vào Đường luật. Nhưng gò được những con chữ vô sừng, vô sẹo vào cái khuôn hình hẹp vanh vanh và vuông chành chạnh của thơ Đường luật đâu có dễ. Gặp chỗ gay cấn có khi cũng vã cả mồ hôi mới “nhồi” được con chữ vào cái khuôn niêm, luật. Mà thơ đã gò ép gượng gạo thì đọc khô như ngói. Nhưng khó thế nào thì khó song làm thơ lục bát hay Đường luật vẫn có cái phao để mà bám vào. Có bơm đày chữ vào cái bao lục bát, bơm đày chữ vào cái bao Đường luật là có cảm giác bài thơ đã hoàn thành. Còn làm thơ tự do thì bơm chữ vào đâu? Làm thơ tự do y như người bơi vo vậy. Nếu không biết tự mình làm cho mình nổi là chết chìm ngay. Chó nên ít người dám “chơi” thơ tự do. Ít thôi chứ không phải là không có. Trên một trang Web, blog do một số “trò cũ” của Trường THPT Chí Linh chủ trương, tôi đọc được một số bài thơ tự do rất chững chạc. Xin chép ra đây để bạn đọc cùng tham khảo.
Bài thứ nhất là bài “Nắng làng Mo” của nguyễn Tô Quang, một cựu chiến binh, một nông dân làng Mo:
Em trở về thăm tôi chiều thu
Nắng làng Mo rang rừng lá đỏ
Hoa lựu lập loè cuối vườn lỗ chỗ
Ngọn gió gầy heo hắt phía sườn non
Em thương tôi tóc muối mầu sương
Đêm ít ngủ ra vào lẩn thẩn
Di sản chiến tranh in vàng da nếp trán
Chiều nhạt nhoà vàng chất Đi-ô-xin
Em thì thầm môi mọng đỏ niềm tin
Nhà dù thấp có núi cao làm rộng
Vò rượu bé đủ hâm lòng cháy bỏng
Cứ vui buồn câu thơ tìm nhau
Dăm ba chữ lỏng chẳng văn chương
gì đâu
Mà ấm áp là trái tim bè bạn
Đôi câu nhâm nhi với vài khoảng lặng
Nửa cái nhìn cũng đủ hiểu lòng nhau
Em đọc thơ để đưa tôi về đâu
Cuộc trần tục có đếm đong nặng nhẹ
Cứ bớt tỉnh đi cho đời được khoẻ
Thấm đẫm tình người sẽ thấy
nắng chiều thu.
Và bài thứ hai “Bốn mươi năm một chặng đường để nhớ” cũng của một cựu chiến binh:
Đất nước chiến tranh
Chúng tôi học hành dang dở
Chưa là thầy
Không là thợ.
Nhập ngũ ngày 13 tháng 5.
Sông Kinh thầy mùa ấy nước xanh trong
Bến Vạn, xã Tân dân tiễn chúng tôi vào lính
Những chuyến đò chở nặng
Cứ nghiêng về một bên
Phía bờ có những người thân
Những bàn tay vẫy mãi
Chúng tôi đi và hẹn ngày trở lại
Thấm thoát đã 40 năm…
Sau mấy ngày đầu ở Dạ Sơn
C3 về Lê Linh,Lê Xá
Như bao đợt luyện quân, chúng tôi tập tành vất vả
Học bắn súng, đâm lê, tập đội ngũ, ắc-ê
Tập hành quân mang nặng
Tất cả hướng tới ngày ra trận
Đất đồi Kinh Môn, chúng tôi tập đào hầm
Sáng, chưa,chiều tập gùi gạch trên lưng
Doanh trại là nhà dân, hội trường là sân hợp tác
Là nơi tập chung sinh hoạt
Học những bài chính trị đầu tiên
Chính trị viên Như giảng bài và hay cầm nhịp hát
Đại đội trưởng Vượng hô “nghiêm”,nghe như tiếng gầm của cọp
Đại đội phó Doãn cao to, chuyên việc hậu cần
Bữa ăn thì bày trên sân
Sáu đứa một mâm, hai xoong, một đĩa
Cơm đâu mà no bụng trẻ
Nhiều cậu ăn nhanh rồi vòng đánh “tăng hai”
Bà con thương dành cho đĩa sắn, rổ khoai
Chúng tôi có thêm cha, thêm mẹ
Còn nhiều hơn thế nữa
Có chàng còn tìm được người yêu
Chẳng có mấy thời gian gặp nhau…
Thế là bỏ gác
Thế là lại khổ thêm cho bao người khác
Đang đêm báo động, đi tìm…
Cứ thế, chúng tôi cứ thế luyện rèn
Như mũi giáo, lưỡi gươm mài sắc
Như những đại bàng non tập bay trên đất
Chờ ngày thẳng cánh cao xanh…
Ba tháng huấn luyện trôi nhanh
Chúng tôi được tung vào cuộc chiến
Đêm tiễn biệt ga “Tiền Trung”biết bao bịn rịn
Nhiều nước mắt đã rơi
Những chàng lính tuổi 18 đôi mươi
Có người khóc òa như con trẻ
Chuyến tàu không đèn lao trong đêm vội vã
Từ ấy chúng tôi đi …
Sông Kinh Thầy lại vào mùa nước
Lũ dọa vỡ đê Nam Sách
Tiếng trống hộ đê dồn dập đêm ngày
Theo chúng tôi vào tận Trường Sơn
Người ở nhà, người ra đi nào ai biết khổ hơn
Nước lụt ngang trời ba tháng
Nhà cửa, ruộng, vườn ngâm trong nước trắng
Mẹ tôi gầy, thầm khóc hàng đêm
Mẹ thương mấy đứa em không đủ cái ăn
Mẹ thương con trai mình vừa ra mặt trận
Mẹ thương cha suốt nhiều đêm ngồi như pho tượng
Cha càng gầy, hai mắt lõm sâu
Lúc ấy chúng tôi đang ở đâu ?...
Chiến trường rất rộng
Chiến trường nhiều bom đạn
Chúng tôi còn rất ngu ngơ
Bỏ lại sau lưng những năm tháng tuổi thơ
Chúng tôi buộc mình phải lớn
Như vừa mới hôm qua,cuộc đời một thoáng
Ngoảnh lại nhìn đã 40 năm…
Chúng tôi giờ nhiều người đã lên ông
Nội, ngoại, gái, trai đầy đủ
Có người còn nhiều lam lũ
Có người đã về với trời xanh
Ký ức những ngày đầu tiên
Chúng tôi còn giữ mãi
Cứ dịp tháng 5 lại háo hức tìm về đồng đội
Chỉ để nhìn thấy mặt nhau
Hỏi thăm vài câu
Thế là sung sướng
Người hôm nay đeo quân hàm cấp Tướng
Hay lo ruộng vườn làm bác nông dân
Tất cả chúng tôi đều là lứa đồng ngũ tháng Năm
Cùng chung một ngày để nhớ
Nhớ những ngày đầu tập làm chiến sĩ
Thế mà đã Bốn Mươi Năm…
13.5.2011
Đọc những bài thơ này, tôi có cảm giác các tác giả của nó, khi làm thơ họ chỉ chép lòng mình ra trang giấy. Cho nên nó tự nhiên và rất truyền cảm. Họ chẳng vướng bận gì đến niêm luật... Nhưng họ có nỗi niềm và thật sự muốn chia sẻ. Vậy thôi!